Trang chủ / Blog / 4 SAI LẦM CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC SƠ CHẾ NẤM BÀO NGƯ

4 SAI LẦM CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC SƠ CHẾ NẤM BÀO NGƯ


Có thể bạn là một người thường xuyên ăn nấm. Nhưng dù vậy, cũng không có gì chắc chắn, bạn đã biết sơ chế nấm đúng cách, đặc biệt là nấm bào ngư. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết liệu bạn có đang mắc phải sai lầm nào đó trong việc sơ chế nấm bào ngư không nhé! 

Sai lầm #1: Không sơ chế và bảo quản nấm ngay

Nhiều người mua nấm về nhưng vì quên nên không kịp sơ chế và bảo quản nấm ngay mà để ở nhiệt độ phòng. Để nấm tươi ở bên ngoài quá lâu, có thể khiến nấm “tàn”, và làm giảm độ tươi ngon của nấm. 

Vì vậy, để đảm bảo độ tươi ngon của nấm nên sơ chế ngay hoặc bảo quản ngay trong tủ lạnh. Việc sơ chế nhanh có thể được thực hiện bằng việc làm sạch nấm, luộc hoặc xào sơ.

Thật ra, sai lầm này không nhiều người mắc phải. Tuy nhiên, một số người vì quá bận rộn cũng có thể quên và dẫn tới tình trạng “đem con bỏ chợ”.

Sai lầm #2: Không kiểm tra và sơ chế nấm trước khi bảo quản

Nhiều người mua nấm về và vô tư nghĩ rằng chỉ cần bỏ vào tủ lạnh là xong. Nhưng liệu như thế đã đủ chưa? Câu trả lời chắc chắn là “Chưa”. Nấm rất dễ bị úng, vì vậy trước khi bảo quản cần kiểm tra xem các chân nấm, tai nấm có bị dập, bị ẩm ướt, có đốm đen hay hư hỏng gì không. Bởi vì có thể trong quá trình chọn nấm, bạn có thể đã sơ sót bỏ qua một vài điểm bất thường trên bề mặt của chúng. 

Nếu có, bạn hãy nhanh chóng sơ chế nấm bằng cách gọt bỏ đi những phần bị hư, tránh để chúng “di căn” sang các phần khác, phòng trường hợp khi lấy nấm ra khỏi tủ lạnh, nấm đã bị “toang” mất rồi. Lưu ý thêm là nên bọc nấm lại trong túi giấy, gói giấy hay đơn giản là giấy báo sẽ tốt hơn là bỏ trong bọc nhựa nhé! 

Sai lầm #3: Rửa nấm quá kỹ

 Một số người nội trợ thường có thói quen ngâm nấm với nước muối loãng để đảm bảo hơn. Tuy nhiên, có thể vì thời gian ngâm hơi lâu hoặc rửa quá nhiều lần khiến nấm bị tưa, bị dập nát. Điều này có thể khiến nấm mất đi một lượng dinh dưỡng đáng kể và không còn được tươi ngon về hình thức nữa. Vì vậy, cần lưu ý, có thể rửa nấm nhưng không nên ngâm nấm quá lâu (trong nước muối) hoặc rửa nhiều lần nhé!

 Cũng cần lưu ý thêm rằng nếu đã rửa qua nước thì phải vắt nấm thật ráo thì sau khi chế biến mới giữ được vị ngọt của nấm (nhất là đối với những món xào). Mặt khác, nếu nấm mua ngoài chợ, không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của nấm thì nên nửa qua nước muối loãng để đảm bảo an toàn. 

Một số thông tin khác cho rằng không nên ngâm/rửa nấm trong nước vì như vậy sẽ khiến nấm hút chất lỏng và giảm độ tươi ngon. Chính vì vậy, họ chỉ dùng khăn hoặc giấy ướt để chùi đi những bụi bẩn trên nấm. Điều này hoàn toàn chính xác, An Lộc Farm đã thử hái nấm tươi  chính trang trại vào chế biến liền thì độ ngọt hơn hẳn nấm đã rửa qua nước.

Sai lầm #4Bỏ đi nước luộc nấm

Một số người thường có thói quen sơ chế nấm bằng cách luộc sơ, để ráo và bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, họ lại vô tư đổ đi nước luộc nấm. Trên thực tế, nước nấm vô cùng dinh dưỡng bởi vì nó chứa những dưỡng chất của nấm tiết ra trong quá trình luộc. Vì vậy, ở nhiều nước phương Tây, sau khi luộc nấm, họ sẽ giữ lại nước luộc để nấu các món ăn hấp dẫn như cháo, canh, súp,... Tương tự như nước hầm xương, nước luộc nấm bào ngư chính là một trong những loại nước dùng bổ dưỡng và có thể chế biến được nhiều món ăn thơm ngon. 

Bạn có biết thêm những sai lầm nào trong việc sơ chế nấm bào ngư không? Hãy chia sẻ với An Lộc Farm nhé!